Nón bảo hiểm cũng là một phần quan trọng đối với những người đi xe đạp. Để mang lại cảm giác thoải mái và vừa vặn khi đội nón, đừng phớt lờ nhé.
Phân biệt các loại nón bảo hiểm xe đạp
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nón bảo hiểm dành cho nhiều mục đích khác nhau. Thông thường nón được chia làm 4 loại đơn giản: mũ dành cho người đi xe đường trường, xe leo núi, xe BMX và xe thành phố.
Nón bảo hiểm xe đạp đường trường (Road)
Nón có kích thước nhỏ, nhẹ, nhiều lỗ thông gió rộng giữ cho bạn luôn mát mẻ, thoải mái. Nón càng nhẹ và khí động học nhiều thì giá của nó sẽ càng cao, vậy nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn cho đầu của bạn. Hơn nữa, nón được thiết kế phiá trước không có lưỡi để khi người chạy với tốc độ cao sẽ không bị cản gió.
Nón bảo hiểm xe đạp địa hình (MTB)
Nón với phần phía trước và phía sau được thiết kế dài, rộng hơn để có thể bao phủ tốt cho cả đầu bởi địa hình mà thiên nhiên ban tặng sẽ không bao giờ để bạn có một cú đáp thân thiện. Những người đi xe đạp leo núi khá ưu tiên cho nón có lưỡi hơn là đeo kính râm vì nó sẽ mang lại tầm nhìn rõ trên những đoạn đường có nhiều bóng râm cũng như giúp quan sát tốt trên đoạn đường nhiều gập ghềnh.
Ngoài ra, còn có nón bảo hiểm chuyên cho đổ đèo. Phần phía trên nón có lưỡi dài giúp che nắng và tránh đất bay vào mắt; có phần bọc xung quanh cằm để có thể bảo vệ cả mặt và đầu.
Nón bảo hiểm xe đạp BMX
Loại nón này rất dễ nhận biết vì thiết kế tròn và không có nhiều lỗ thoáng khí giúp bảo vệ tối đa khi bị té ngã.
Nón bảo hiểm xe đạp đường phố (City)
Bạn có thể sử dụng nón bảo hiểm của xe đường trường hay xe leo núi tùy vào mục đích và tình trạng. Chúng thường có những kiểu dáng thực tế, màu sắc tươi sáng để có thể đánh dấu được bản thân khi đi trong tình trạng thời tiết mưa và tối.
Chọn kích thước nón phù hợp
Chọn một cái mũ vừa vặn với đầu của bạn là điều cần thiết. Hầu hết mũ bảo hiểm đều có từ size nhỏ, trung bình, và lớn.
Để tìm được một chiếc mũ thích hợp, việc đầu tiên là đo kích thước vòng đầu. Sử dụng thước dây để đo 1 vòng đầu phía trên tai, lưu ý đừng siết chặt dây quá. Sau đó, dò số đo trên hãng nón mà bạn lựa chọn mua hoặc kích thước có trong nhãn nón đề chọn nón phù hợp.
Đây là phần rất quan trong. Nón bảo hiểm phải được cố định trên đầu, không được tuột và di chuyển vì khi gặp sự cố, nón sẽ không bị tụt, bảo vệ đầu của bạn. Việc chọn nón có kích thước phù hợp là điều thiết yếu
Sử dụng nón đúng cách
- Phía sau nón có nút xoay, bạn nới lỏng nó rồi đội lên đầu; lưu ý: phần phía trước phải cách lông mày 2,5 cm, không được quá thấp hoặc quá cao.
- Tiếp đến, bạn vặn siết lại nút phía sau cho vừa với đầu, không nên siết chặt quá, sẽ gây đau đầu. Lắc đầu qua hai bên, lên xuống để kiểm tra xem nón có bị rơi ra không.
- Bước tiếp theo là gài dây lại. Dưới hai vành tai có hai khóa siết dây, điều chỉnh cho hai bên cao đều nhau. Nếu cảm thấy dây lỏng thì rút dây lại sao cho có thể đủ luồn 3 ngón tay qua là đạt. Bạn có thể nói chuyện dễ dàng, thoải mái.
Bảo quản nón bảo hiểm
Tránh sử dụng những hóa chất hòa tan để làm sạch mũ, chỉ nên sử dụng nước giặt quần áo hay xà phòng cùng miếng mút chuyên dụng để lau chùi.
Không nên cất giữ nón trong những nơi nóng như: hầm để xe, hầm phía sau xe ô tô…Hơi nóng có thể gây ra biến dạng dáng và bộ phận khác của mũ.
Nguồn: Tổng hợp